Căn hộ cho thuê bị bỏ quên
Quy mô nguồn cung rất nhỏ bé trong khi nhu cầu ngày càng gia tăng, giá thuê đứng ở mức cao, là những lý do khiến việc đầu tư vào mảng căn hộ dịch vụ cao cấp tại Hà Nội được cho là rất triển vọng.
Báo cáo của hai hãng nghiên cứu và tư vấn bất động sản lớn là CBRE và Savills Việt Nam cho thấy, căn hộ dịch vụ cho thuê tại các cao ốc ở Hà Nội chủ yếu phục vụ đối tượng là các lao động nước ngoài tính đến hết quý I/2011 mới đạt hơn 2.000 căn từ khoảng 40 dự án. Đây là tổng cung rất nhỏ bé so với các mảng thị trường khác như căn hộ để bán, biệt thự, nhà liền kề, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ...
Từ quý IV/2010, số lượng khách hỏi thuê - chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và ngân sách dành thuê căn hộ dịch vụ tiếp tục tăng lên. Do đó, tỷ lệ trống giảm ở phần lớn các dự án. So với mức 7,2% hồi quý IV/2010, hiện tỷ lệ trống chỉ còn 5,7% - CBRE dẫn chứng.
Còn tính toán của Savills, giá chào thuê trung bình trên thị trường này đã tăng 4% so với quý trước, đạt mức 27,5 USD/m2/tháng. Trong đó, căn hộ dịch vụ hạng A tăng mạnh nhất là 6%, hiện giá dao động ở mức 34-39 USD/m2/tháng.
Theo giới phân tích, các con số kể trên cho thấy triển vọng rất tốt của thị trường căn hộ dịch vụ, khi mà nhu cầu và khả năng chi trả của khách thuê ngày càng gia tăng mà nguồn cung lại thiếu hụt.
Thậm chí, so sánh với diễn biến về nguồn cung và giá cả trên thị trường văn phòng hạng A, ông Marc Townsend - Tổng giám đốc của CBRE, còn ví von, các nhà phát triển đã bỏ quên mảng căn hộ dịch vụ.
Nhất là mới đây, hai nhà kinh doanh quản lý căn hộ dịch vụ chuyên nghiệp là Fraser Suite và The Ascott của Singapore đều đã có động thái mở rộng hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, một tên tuổi khác vốn gắn liền với nghiệp vụ quản lý khách sạn là Intercontinental, cũng vừa khẳng định sự tham gia của mình bằng việc chuyển sang quản lý cả căn hộ dịch vụ cao cấp cho thuê.
Lý giải sự kém mặn mà trong phát triển căn hộ dịch vụ của các chủ đầu tư, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của Savills, chỉ ra rằng: thứ nhất, đầu tư vào mảng này đòi hỏi nhà phát triển phải có tiềm lực về tài chính vì riêng khâu nội thất, thiết kế của căn hộ đã đòi hỏi rất cao, chưa kể, mỗi dự án đều phải có nhà quản lý, vận hành chuyên nghiệp.
Hơn nữa, vị trí đắc địa của dự án là yếu tố quan trọng hàng đầu vì đối tượng khách thuê chính là những chuyên gia, lao động trình độ cao của nước ngoài. Trong khi, loại hình căn hộ dịch vụ này lại chịu sự cạnh tranh gay gẳt từ các căn hộ cho thuê với giá thấp và linh hoạt hơn như căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ, thậm chí là các khách sạn.
"Nói căn hộ dịch vụ ít ỏi và có phần bị "quên lãng" chủ yếu là vì đối tượng khách hàng cũng như chủ đầu tư vào loại hình này rất kén chọn. Căn hộ dịch vụ cao cấp thường có nhiều tiện ích, dịch vụ hoàn hảo nên không phải khách thuê và nhà phát triển dự án nào cũng dễ dàng tham gia", bà Hằng nói.
Trong vài năm tới, một nguồn cung khoảng 2.600 căn hộ dịch vụ từ 33 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường. Riêng trong quý II/2011, sẽ có 135 căn từ dự án Crown Plaza (Lê Đức Thọ, Từ Liêm) và 85 căn từ dự án Modena (Thăng Long, Nội Bài) sẽ đi vào hoạt động.
Giới nghiên cứu cho rằng, mảng căn hộ dịch vụ cho thuê là một chỉ báo quan trọng của kinh tế, cho thấy số lượng người nước ngoài đến ở thuê dài hạn tại Việt Nam. Theo một thống kê không đầy đủ, hiện Hà Nội có khoảng 15.000 lao động nước ngoài. Với nguồn cung năm 2012-2013 tăng gấp đôi hiện tại, vào khoảng 400-500 căn hộ/năm, đây sẽ vẫn là thị trường nhiều triển vọng về công suất và giá thuê.
Theo VEF