Các dự án “treo” cần phải thu hồi
Một số thành viên đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội nhận định rằng, sở dĩ có nhiều dự án “treo” đang tồn tại một phần là do sự dễ dãi từ thủ tục giao đất thực hiện dự án. Cùng với đó thì khâu kiểm tra thực hiện từ chính quyền cơ sở tới các ngành hữu quan chưa sâu sát dẫn đến dự án bị bỏ hoang trong suốt nhiều năm qua.
Một dự án “treo” khác nằm ngay mặt đường Trần Duy Hưng (đối điện siêu thị BigC) cỏ mọc tốt. |
Các dự án “treo” cần phải thu hồi
Kết quả giám sát bước đầu của HĐND TP Hà Nội cuối tháng 8/2012 cho thấy, phần lớn các dự án chậm triển khai mới dừng lại ở san lấp mặt bằng và xây tường rào bảo vệ xung quanh. Không ít dự án đang nợ tiền thuê đất nhiều năm qua, thậm chí nhiều khu đất “vàng” cấp để thực hiện dự án đang bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích như khu đất ở đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.
Tháng 12/2008, khu đất này đã được UBND TP giao cho một công ty TNHH nhà nước một thành viên làm chủ đầu tư để xây dựng văn phòng cho thuê. Nhưng đến thời điểm hiện tại, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chưa xong mà thay vào đó là “khu liên hợp” gara ôtô, bãi rửa xe, bãi giữ xe và dịch vụ khác.
Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình - Đỗ Viết Bình, có một nguyên nhân khiến chủ đầu tư gặp khó là công tác giải phóng mặt bằng, bởi phần lớn người dân nằm trong khu vực đất triển khai dự án không muốn chuyển tới nơi ở mới, vì điều đó ít nhiều làm thay đổi cuộc sống của họ. Một nguyên nhân nữa là do tình trạng thiếu nhà tái định cư cho người dân nằm trong khu dự án.
Ý kiến của chính quyền địa phương là vậy, tuy nhiên, một số thành viên đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội lại nhận định rằng, sở dĩ có nhiều dự án “treo” đang tồn tại một phần là do sự dễ dãi từ thủ tục giao đất thực hiện dự án. Cùng với đó thì khâu kiểm tra thực hiện từ chính quyền cơ sở tới các ngành hữu quan chưa sâu sát dẫn đến dự án bị bỏ hoang trong suốt nhiều năm qua. Nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị chính quyền thành phố phải vào cuộc quyết liệt để hạn chế tình trạng đất bỏ hoang hóa gây lãng phí, trong khi các quận, huyện lại không có đất dành cho xây dựng trường học và công trình công cộng để nhân dân có chỗ sinh hoạt, vui chơi.
Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - Lê Văn Hoạt cho rằng, thời gian qua, chính từ việc quản lý và sử dụng đất đai tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố bộc lộ nhiều yếu kém đã dẫn đến nhiều diện tích đất bị bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên “vàng”. Điều này cần phải được khắc phục trong thời gian sớm nhất để có thể phát huy hiệu quả khai thác từ các khu đất còn đang bị “bỏ hoang” ở giữa Thủ đô.
Trước thực trạng các khu đất dự án đang để hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên đất, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội tiếp tục có các biện pháp xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trên địa bàn. Cùng với đó, chính quyền thành phố phải đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.
Cần siết chặt quản lý trong việc cấp đất dự án
Chỉ ít ngày trước khi Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô có hiệu lực (tháng 7/2008), UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định thu hồi 8.030.315m2 đất tại một số xã của huyện Thạch Thất để giao cho một công ty ở Hà Nội chuyên về lĩnh vực xây dựng đô thị đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Thạch Thất. Nhưng kể từ khi được giao đất đến nay khoảng bốn năm, công ty này vẫn chưa triển khai thực hiện dự án.
Cuối tháng 6/2012, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đã kết luận, việc công ty chưa phối hợp với UBND huyện Thạch Thất thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để chuẩn bị triển khai dự án sau 46 tháng từ khi có quyết định giao đất là vi phạm các quy định quản lý đất đai. Từ kết luận trên, Sở Tài nguyên & Môi trường đã kiến nghị UBND TP Hà Nội thu hồi diện tích đất đã giao cho công ty này.
Tuy nhiên về phía công ty lại cho rằng, sau khi được UBND tỉnh Hà Tây giao làm chủ đầu tư Khu đô thị mới Thạch Thất, tháng 7/2008, công ty đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, lập phương án đền bù để phục vụ công tác thu hồi đất. Nhưng sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, công ty chưa được nhận bàn giao mặt bằng để triển khai dự án nên đã chủ động đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước được bàn giao lại khu đất trên.
Ngoài ra, còn hàng loạt dự án lớn như: Khu phức hợp Giảng Võ (quận Ba Đình); Trung tâm thương mại, Văn phòng, khu luyện tập thể thao (huyện Mê Linh); Khu du lịch Bốn mùa (thị xã Sơn Tây) được cấp phép từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Trước thực trạng các dự án “treo”, dự án chậm tiến độ và các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo các ngành hữu quan phải chấn chỉnh ngay việc quản lý, sử dụng đất của các chủ đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án trên địa bàn Hà Nội.
Theo ông Khanh, trường hợp vi phạm mà thành phố đã chỉ đạo xử lý thì phải xử lý. Trường hợp để tồn tại kéo dài, không có biện pháp khắc phục thì các ngành hữu quan và chính quyền sở tại đề xuất thành phố biện pháp xử lý đúng luật. Trước đó, Hà Nội đã thống kê các trường hợp sử dụng đất song không triển khai trong 12 tháng là 48 dự án với 131ha; chậm triển khai trong 24 tháng là 39 dự án với 425ha; dự án sử dụng đất sai mục đích là 26 dự án với 700ha.
Liên quan đến các dự án “treo” và dự án sử dụng sai mục đích, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội - Trần Anh Dũng cho biết thêm, công tác thanh tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố những năm qua gặp nhiều khó khăn. Điều đó thể hiện ở thái độ bất hợp tác của các đối tượng thanh tra khi họ vắng mặt tại thời điểm công bố quyết định thanh tra, chậm cung cấp tài liệu hồ sơ sử dụng đất…
Khoản 12, Điều 38, Luật Đất đai năm 2003 nêu rõ tiêu chí đối với loại đất dự án thuộc diện phải thu hồi rõ ràng. Đó là các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng không sử dụng đất sau 12 tháng, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa mà không được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho phép. |
Theo CAND