Bộ Xây dựng “ưu tiên” nhà ở xã hội
Thời gian qua, nhà ở xã hội chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm trong khi còn khoảng 7 triệu người dân đô thị đang có nhu cầu về nhà ở. Vấn đề này đang được Bộ Xây dựng quan tâm khi Bộ đề xuất nhiều chương trình, dự án trong 5 năm tới.
Nhiều dự án sẽ triển khai trong 5 năm
Theo dự thảo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến thì nhà ở xã hội cần xây dựng trong ba giai đoạn, đầu tiên giai đoạn 2011 - 2020 cần đầu tư xây dựng khoảng 600.000 căn hộ tương khoảng 30 triệu m2 sàn (mỗi năm khoảng 60.000 căn, tương đương 3 triệu m2 sàn).
Còn khoảng 7 triệu người dân đô thị đang có nhu cầu về nhà ở. Ảnh: N.Lê |
Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình khoảng 180.000 tỷ đồng (tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý 3/2010), gồm nguồn vốn nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng (20%) dành để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 144.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để bán hoặc cho thuê mua.
Tiếp đến, giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2015 - 2020, cần đầu tư xây dựng khoảng 300.000 căn hộ tương khoảng 15 triệu m2 sàn (mỗi năm khoảng 30.000 căn, tương đương 1,5 triệu m2 sàn). Trong đó, nguồn vốn nhà nước khoảng 18.000 tỷ đồng vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 72.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp cũng cần được triển khai theo từng giai đoạn với số vốn khác nhau. Từ năm 2011 - 2020 cần đầu tư xây dựng khoảng 500.000 căn tương đương 24 triệu m2 sàn (mỗi năm khoảng 50.000 căn, tương đương 2,4 triệu m2 sàn), nhằm giải quyết khoảng 70% nhu cầu chỗ ở của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cả nước.
Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình giai đoạn này khoảng 144.000 tỷ đồng (tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý 3/2010), gồm nguồn vốn nhà nước khoảng 7.200 tỷ đồng (5%) dành để hỗ trợ công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 136.800 tỷ đồng để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở cho công nhân mua, thuê hoặc thuê mua.
Còn giai đoạn 2011 – 2015 và 2015 – 2020, nguồn vốn nhà nước khoảng 3.600 tỷ đồng và vốn huy động của các thành phần kinh tế khoảng 68.400 tỷ đồng.
Sẽ huy động vốn nhàn rỗi từ dân
Bộ Xây dựng cho rằng, để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội thì ngoài quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên để xây dựng nhà ở xã hội, khi lập và phê duyệt quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất cần phải đảm bảo quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội chiếm ít nhất 10% tổng diện tích đất phát triển nhà ở đô thị.
Theo Dự thảo, Bộ đã nêu một điểm mới là thành lập quỹ tín thác bất động sản (BĐS) để mọi người dân đều có thể đầu tư vào thị trường nhà đất. Theo đó, quỹ sẽ huy động vốn nhàn rỗi của người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua phát hành chứng chỉ quỹ và đầu tư vào lĩnh vực nhà ở. Quỹ tín thác BĐS được đầu tư 100% vốn vào BĐS (các quỹ đầu tư khác chỉ được đầu tư tối đa 40%)
Quỹ tín thác BĐS được ưu đãi về thuế và sẽ là kênh huy động vốn nhàn rỗi của người dân cho thị trường nhà ở, khắc phục được tình trạng vốn cho thị trường nhà ở chỉ trông chờ và ngân hàng như hiện nay, từ đó sẽ tạo động lực mới cho lĩnh vực phát triển nhà ở.
Tuy nhiên, mô hình này là một trong những cách chứng khoán hóa BĐS (thông qua chứng chỉ quỹ), vì vậy cần có biện pháp kiểm soát hạn chế những nguy cơ do chứng khoán hóa BĐS đem lại theo hướng cần quy định cụ thể các tiêu chuẩn về nhân lực, nguồn vốn, quản lý rủi ro, chế độ báo cáo... Quỹ tín thác BĐS nhằm hỗ trợ vốn để tăng nguồn cung cho thị trường nhà ở.
Với những chương trình, dự án nhà ở được đề xuất cùng với những phương án huy động vốn cho loại hình nhà này chứng tỏ Bộ Xây dựng đang quan tâm và ưu tiên cho nhà ở xã hội. Đây sẽ là tín hiệu vui đối với những người dân có nhu cầu thực về nhà ở trong thời gian tới.
Theo Lao Động