Áp dụng công nghệ cọc ống thép ở Việt Nam
Hàng năm có vài trăm nghìn tấn cọc ống thép được sử dụng ở Nhật Bản. Ngoài ra, cọc ống thép còn được sử dụng ở các nước phát triển gần đây của châu Á... nơi có nhịp điệu phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, nhu cầu vật liệu xây dựng đang tăng.
Đặc biệt, Việt Nam có một số lượng lớn các dự án chính được quy hoạch xây dựng hay cải tạo như dự án cảng biển, đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và lọc dầu... Do đó, nhu cầu vật liệu xây dựng ở Việt Nam được cho là sẽ mở rộng trong những năm tới.
Ứng dụng thi công cọc ống thép là phương pháp mới trong xây dựng cầu cảng
Đối với kết cấu móng trong công trình xây dựng ở Việt Nam, cọc bê tông vẫn được sử dụng rộng rãi đến nay. Tuy nhiên, trong tương lai, với tốc độ phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng như kết cấu cảng nước sâu , kết cấu lớn và kết cấu khai thác nhanh chóng... đặc biệt do điều kiện nền đất yếu, nhu cầu cọc ống thép đòi hỏi ngày càng tăng cao với các ưu điểm như cường độ cao, chất lượng cao và thời gian thi công nhanh.
Ở Việt Nam, trước năm 1975, cọc ống thép được sử dụng khá phổ biến trong các công trình như cầu Sài Gòn, Rạch Chiếc, cảng Tân Cảng (TP.HCM), cầu Trần Hưng Đạo (Bình Thuận) và các cầu trên QL1, quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), cảng chính Hải Phòng (Hải Phòng). Gần đây, cọc ống thép chỉ được sử dụng trong một vài dự án ODA, chủ yếu là cọc bê tông đúc sẵn hay cọc bê tông đổ tại chỗ được sử dụng.
Tuy nhiên, với các ưu điểm nổi trội của cọc ống thép, nó cần được các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và thi công đánh giá cao và sử dụng. Hiện nay, kinh nghiệm về thiết kế, thi công và áp dụng cọc ống thép ở Việt Nam chưa nhiều, do đó trước tiên cần phải nắm được triệt để cũng như xác định khả năng áp dụng và các vấn đề liên quan đến công nghệ cọc ống thép ở Việt Nam. Sau đó, cần phải có các tiêu chuẩn và hướng dẫn thiết kế, thi công cọc ống thép cũng như cần thiết phải phản ánh các kiến thức thu nhận được để tạo ra và duy trì môi trường áp dụng cọc ống thép tại Việt Nam.
Với nhận thức trên, Tập đoàn Thép Nippon Steel Nhật Bản (NSC) và nhóm nghiên cứu Trường Đại học GTVT (UTC) đã hợp tác nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cọc ống thép và cọc ống ván thép ở Việt Nam.
Để nắm được khả năng áp dụng cọc ống thép trong điều kiện địa chất Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã điều tra và phân tích cấu trúc đất và các đặc trưng cơ lý của đất và khả năng chịu tải của cọc ống thép áp dụng ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận đất dính và đất cát của Việt Nam không khác nhiều so với Nhật Bản, đặc trưng cơ lý thể hiện rằng, có thể so sánh được với đất áp dụng Tiêu chuẩn thiết kế của Nhật Bản. Do vậy có thể nói rằng, điều kiện địa chất Việt Nam phù hợp cho cọc ống thép.
Về phương pháp thiết kế cọc ống thép ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng, tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam tham khảo rộng rãi các tiêu chuẩn thiết kế của nhiều quốc gia. Lựa chọn của tiêu chuẩn thiết kế cụ thể sẽ tùy thuộc vào chủ đầu tư, không có sự bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn cụ thể cho kết cấu cụ thể. Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay thiết kế cọc ống thép dựa theo tiêu chuẩn Việt Nam an toàn hơn nhưng ít kinh tế hơn so với thiết kế dựa theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng cọc ống thép, cần phải xem xét và nghiên cứu đến việc đưa ra một công thức hợp lý cho tính toán sức chịu tải ở Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn Nhật Bản đã được khẳng định tính chính xác, để đạt được một thiết kế hợp lý.
Theo Giao Thông Vận Tải