Dự án bất động sản... bất động!
Đầu năm 2007, khi Hà Tây cận kề thời điểm sáp nhập với Hà Nội, nhiều người được chứng kiến lễ khởi công khá hoành tráng của dự án đô thị với 6 tòa nhà cao 30 tầng do Cty TNHH Booyoung VN (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án được quảng bá có quy mô lên tới 5.000 căn hộ cao cấp nằm trong khu đô thị (KĐT) Mỗ Lao.
Tuy nhiên, thời gian ngắn sau đó, công trường đã vắng hoe và chỉ còn là những khu đất được quây tôn để cho cỏ hoang mọc. Ban Quản lý KĐT Mỗ Lao cho biết, qua 5 lần đề nghị điều chỉnh giấy phép đầu tư trong hơn 5 năm qua, hơn 4,3 ha đất sạch có hạ tầng được giao cho Cty Booyoung vẫn chỉ là những khu đất hoang, rất lãng phí.
Nhiều nhà đầu tư BĐS trong nước tỏ ra tiếc cho hơn 207 ha đất vàng nhằm xây dựng khu đô thị mới tây hồ Tây sau nhiều năm vẫn là vùng cỏ hoang và bãi vật liệu phế thải nhếch nhác. Được cấp phép đầu tư đầu năm 2006, chủ đầu tư năng lực tài chính tốt nhưng cho đến nay mới giải phóng mặt bằng được 80,9ha! Vướng mắc nhất tại đây là những bất cập trong chính sách và năng lực của cơ quan chức năng giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, hàng loạt dự án BĐS khác tại Hà Nội sau nhiều năm ì ạch cũng đang có nguy cơ bị khai tử, đề nghị rút giấy phép. Điển hình như dự án của Cty TNHH Thương mại Tràng Tiền có vốn đăng ký hơn 10 triệu USD, Liên doanh Hacom có vốn đăng ký hơn 12 triệu USD...
Khai tử nhiều dự án BĐS khủng: Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng (Quảng Nam) có vốn đăng ký 4,15 tỷ USD, The Aj Vietstar (Bà Rịa-Vũng Tàu), KĐT Bến Gót (Phú Thọ), Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa (Phú Yên)...
Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, tính đến năm 2011, thành phố có 94 dự án FDI về BĐS với số vốn đăng ký gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn thực hiện mới đạt khoảng hơn 2,4 tỷ USD! “Vốn ảo ngày càng tăng khi vốn đăng ký thì nhiều mà triển khai lại quá ít. Điều này sẽ gây nhiều hậu quả xấu, nhất là môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên” - một chuyên gia về tài chính cho hay.
Mác ngoại, vốn nội – cần xử lý
Sở KH&ĐT Hà Nội cũng cho biết, hiện có nhiều dự án nhà ở tại KĐTM đã được các nhà đầu tư trong nước lách luật bằng hình thức huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước dẫn đến dự án ngoại - vốn nội. “Việc sử dụng vốn vay, vốn huy động trong nước chiếm tỷ trọng lớn rất nguy hiểm. Trong trường hợp dự án gặp rủi ro sẽ gây phản ứng dây chuyền và tác hại nhiều mặt. Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm trong lĩnh vực BĐS, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở thương mại” - đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội kiến nghị.
Liên quan vấn đề này, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề nghị rà soát, kiểm tra các dự án chậm triển khai, đề xuất biện pháp xử lý.
Theo Tiền Phong