’Đất Đông Anh không sốt’
Phó phòng Quản lý quy hoạch và đô thị huyện Đông Anh Nguyễn Đăng Nam. Ảnh: Hoàng Lan. |
Phó phòng Quản lý Quy hoạch và đô thị huyện Đông Anh, ông Nguyễn Đăng Nam khẳng định giá nhích lên gần những khu đã được quy hoạch, nhưng nhìn chung giao dịch tại huyện phía Bắc Hà Nội này vẫn trầm lắng.
* Nhiều người rỉ tai nhau đất Đông Anh đang sốt, giá tăng 40-50% so với trước, ông nói sao về hiện tượng này?
- Quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 lấy sông Hồng làm trung tâm của Hà Nội đang trình Chính phủ. Phần lớn đất của Đông Anh nằm trong khu vực phát triển đô thị. Địa bàn huyện hiện đã quy hoạch thành 7 chùm đô thị. Nhờ quy hoạch nên một phần người dân tin tưởng rằng họ sẽ thu được lợi nhuận nếu đầu tư vào đất đai. Nhưng so với giá mặt bằng chung của Hà Nội thì đất Đông Anh không cao đến mức đột biến như tin đồn và cũng không có cơn sốt nào cả.
Khu đất ven quy hoạch của Đông Anh cũng chỉ có giá xấp xỉ khoảng 30-40 triệu, cá biệt những khu vực đẹp hơn thì nhích hơn. Các xã ven cầu Nhật Tân như Vĩnh Ngọc, Xuân Canh về cơ bản hạ tầng cơ sở đã hoàn thiện nên thu hút nhà đầu tư hơn và giá đất nhích lên là lẽ đương nhiên.
*Ông khẳng định không có cơn sốt đất nào vậy tại sao trong địa phương vẫn truyền tai nhau chuyện lãi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng sau một hai tuần "lướt sóng"?
- Theo tôi đây là do thủ thuật “kích” giá của môi giới vì tôi thấy con số này phi lợi nhuận quá. Có thể họ đóng 3 vai, là người mua, người bán và đồng thời cũng là nhà môi giới. Nếu họ nói một tuần lãi một tỷ thì mình cũng chỉ biết vậy vì hai người mua bán với nhau thực chất là một để đẩy giá lên cao. Họ đứng ra bán một giá nhưng thực chất giá này vẫn là giá của họ đưa ra và người chịu thiệt thòi chính là người mua sau. Trong trường hợp này thì người dân nếu không tỉnh táo sẽ mắc "tròng" của cò đất.
* Ông nhận định thế nào về vai trò của các văn phòng môi giới nhà đất trong việc này?
- Cũng có một số văn phòng nhà đất đẩy giá lên cao. Tuy nhiên hoạt động của các văn phòng môi giới này chỉ chiếm một phần nhỏ, theo tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết là do người dân tham gia vào các giao dịch. Hiện nhiều người dân cũng biết tự tìm hiểu về giá cả nên tôi cho rằng, hiện tượng cò đất đẩy giá chỉ được thời gian đầu thôi.
* Có ý kiến cho rằng câu chuyện Đông Anh có thể lặp lại cơn sốt đất Ba Vì vài tháng trước, nhà đầu tư chạy trước quy hoạch và đổ bể. Ông nghĩ sao?
- Đất Đông Anh bắt đầu sốt khi Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng được trình Chính phủ. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay, đất tại đây chưa có gì đột biến. Đến thời điểm này thì đã đất đã chững lại và không có cơn sốt nào cả, giá cũng chỉ nhích lên một chút chứ không tăng nhiều. Những người có nhu cầu bán thì họ đã bán rồi. Còn những gia đình có đất bán nhưng họ không muốn bán vì muốn nghe ngóng, vì vậy giao dịch đất trên địa bàn huyện mặc dù có thành công nhưng rất ít và thực sự đang trầm lắng. Không có hiện tượng người dân đổ xô đi bán đất như Ba Vì.
Tất nhiên, huyện chỉ kiểm soát những giao dịch chính thức có giấy tờ rõ ràng, còn các giao dịch trao tay rất khó thống kê.
Đất Đông Anh sốt từ năm ngoái và đến nay chưa có gì đột biến. Ảnh: Hoàng Lan. |
* Vậy ông nhận định sao về thực tế trong khi người dân chưa muốn bán đất nhưng vẫn xuất hiện nhiều nhà đầu tư thu gom đất nhỏ lẻ thậm chí đất xen kẹt (đất vườn ao, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở) rồi bán lại với giá chênh?
- Đất nhỏ lẻ nếu là đất ở thì việc giao dịch là bình thường. Vì vậy, Nhà nước vẫn phải tiến hành các thủ tục mua bán cho họ. Đúng là xuất hiện trường hợp nhiều nhà đầu tư đã biết tận dụng hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị để kiếm lời nhờ đất xen kẹt. Tuy nhiên trong trường hợp không phải là đất ở thì đất xen kẹt phải đúng mục đích sử dụng. Nếu không đúng mục đích sử dụng thì các nhà đầu tư cũng không thể làm gì được vì phải có sự cho phép của Nhà nước mới có thể tiến hành mua bán.
* Với tư cách là cơ quan quản lý, ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư?
- Thời điểm này thích hợp cho việc mua để ở. Theo tôi, nếu đầu tư trong giai đoạn này phải nghiên cứu kỹ vì thực tế đã có nhiều trường hợp, hôm nay quy hoạch như thế này nhưng đến lúc công bố thì lại khác, như trường hợp đất ba Vì là ví dụ điển hình. Quy hoạch Hà Nội mới chỉ là dự thảo, ngay lập tức cơn sốt đất đã lan dần đến chân núi Ba Vì khi nghe tin trung tâm hành chính chuyển về Ba Vì. Không ít nhà đầu tư dốc hết vốn liếng vào đó, để rồi khi thay đổi quy hoạch thì sạt nghiệp tại Ba Vì. Đầu tư có nhiều rủi ro, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ phần quy hoạch và tốt nhất là nên chờ khi quy hoạch được công bố chuẩn xác thì mới đầu tư.
Theo VnExpress