Với thác nước chảy ào ạt, suối lượn quanh co, non bộ đã hòa nhập vào cuộc sống của đời thường để thư giãn, để làm cho không khí đô thị được trong lành hơn.
Thật thú vị khi nhìn thấy các bậc cao niên đứng nhìn non bộ một cách trầm tư. Những người trẻ tuổi ngồi cạnh ly cà phê lặng nhìn nước chảy róc rách từ trên núi cao xuống mặt hồ. Các em nhỏ say sưa chỉ trỏ các bác tiều phu, cụ già ngồi câu cá…
Ngoài mục đích non bộ là thiên nhiên thu nhỏ, cô đọng núi sông, cỏ cây hoa lá, chùa chiền, lâu đài, miếu mạo…để làm đẹp thêm cho đô thị, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của con người. Non bộ còn là một nghệ thuật phong thủy đem lại sự hòa hợp của âm dương, của sự tương sinh thuận hòa giữa trời đất và con người.
Nghệ thuật chế tác non bộ không chỉ là không gian thu nhỏ của núi sông, hang động, cây cỏ, chùa chiền, cầu vồng, thuyền bè, chim chóc, động vật của con người. Non bộ còn là thủ thuật sử dụng thủ pháp chế tác theo phong thủy để đem lại sự lưu thông ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
Sự tương sinh ngũ hành sẽ đem lại tài lộc, sức khỏe, thịnh vượng, sinh khí cho chủ nhân của nó. Theo thuật phong thủy, núi là nơi hội tụ tinh anh của trời đất, nước là nơi quy nạp của tiền tài danh vọng. Sự hòa hợp hài hòa của núi sông sẽ đem lại đại cát, hanh thông cho nơi tạo ra nó. “Nước lấy núi làm mặt, lấy chim thú, cây cảnh làm tinh thần, núi lấy nước làm huyết mạch…” (Quách Huy – Trung Quốc).
Nước tượng trưng cho tài lộc nhưng nước là vật thể bốc hơi theo thời gian năm tháng, theo nóng lạnh của ngày và đêm. Nước cũng như tài lộc vào nhà thì chủ nhân được hưởng lộc, nhưng muốn giữ được lộc này thì phải làm thế nào? Núi là nơi hội tụ, giữ gìn cái tài lộc, cái tinh anh ấy. Sự hòa hợp giữa núi sông chính là sự hưng tài, đắc lộc vậy.
Núi sông hòa hợp thì cỏ cây, chùa chiền, ngư tiều canh mục… tạo dựng nên non bộ là sự hợp tác để tương sinh, để hoàn thành cho tác phẩm chế tác non bộ theo thuật phong thủy. Sự tương sinh giữa nhà cửa, hoa lá, chim muôn, chùa chiền, miếu mạo… đó là cái tinh thần tạo tác của nghệ nhân.
Nghệ nhân phải đặt hết tinh thần vào non bộ khi chế tác. Non bộ có thể là liên sơn (núi liền núi – sông liền sông) thì người, thú, cây cảnh phải tạo nên một quần thể đoàn tụ, sum vầy, hài hòa. Để khi nhìn vào, người thưởng lãm cảm thấy thiên nhiên và con người hòa hợp ( thiên thời – địa lợi – nhân hòa ).
Người thưởng lãm thấy vui với cái vui của nghệ nhân. Bố cục chế tác non bộ theo phong thủy cũng đòi hỏi một sự liên kết chặt chẽ giữa núi với núi, nước với nước, dù sự tạo tác non bộ núi không liền nhau nhưng chung cuộc vẫn liên kết nhau (tam sơn – ngũ nhạc “vạn sự thành” nghĩa là “trước ba núi lớn, sau năm núi nhỏ thì làm mọi việc đều thành công”).
Có khi non bộ chỉ là 3 ngọn núi nhưng liên kết cao thấp (thượng – trung – hạ hay thiên – địa – nhân) là người thưởng lãm vẫn cảm giác thấy có sự liên kết trong bối cảnh rời rạc này. Có khi non bộ chỉ là một ngọn núi (độc sơn – vạn thủy) nhưng người thưởng lãm vẫn cảm thấy tâm hồn lắng xuống hòa đồng với sự tĩnh lặng của nghệ nhân.
Non bộ chế tác theo thuật phong thủy không cần sự rờm rà, không tốn nhiều đá, cây cảnh, chim muôn, nhà cửa… nhưng vẫn toát lên sự tinh anh vì nghệ nhân đã đặt hết cái hồn của mình vào tác phẩm…
Ngoài việc chế tác non bộ với cái tâm, cái tinh thần, cái nghệ thuật; người nghệ nhân phải biết đặt vị trí non bộ thế nào cho phù hợp để giao lưu giữa thiên nhiên và con người như cá với nước.
Nếu là khu vực rộng lớn như nhà trong một khu vườn, non bộ sẽ nằm sau một bình phong trên lối vào nhà. Nếu là nhà trên một diện tích đất hẹp như: nhà ở, phố, công tư sở, siêu thị hay nhà hàng,…Vị trí đặt non bộ tốt nhất là nằm bên trái của lối vào nhà (tả thanh long), tính từ trong nhà nhìn ra, non bộ không nằm ngay mặt tiền nhà (ém tài lộc, tối kỵ)…
Nói chung, nơi đặt để tạo tác non bộ, nghệ nhân cần phải hết sức quan tâm, lưu ý để sự vận khí theo phong thủy được vận dụng lưu thông.