Khoảng thông tầng cần thiết trong nhà phố
Thông tầng trong nhà phố, nhất là nhà phố một mặt tiền không chỉ là xu hướng làm đẹp đơn thuần mà còn là giải pháp kiến trúc tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho các phòng ốc trong nhà.
Thông tầng trong nhà phố, nhất là nhà phố một mặt tiền không phải là xu hướng làm đẹp đơn thuần mà đó là giải pháp kiến trúc tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho các phòng ốc trong nhà.
Thông tầng để lấy sáng
Các khoảng thông tầng là khoảng không gian trống trong ngôi nhà có tác dụng như những giếng trời và dĩ nhiên, nhà phải có ít nhất một tầng lầu mới làm được khoảng thông tầng. Bố trí thông tầng giữa hay cuối nhà tuỳ thuộc vào không gian từng nhà. Khi thiết kế khoảng thông tầng chắc chắn không chỉ có giá trị làm đẹp cho nội thất mà luôn kèm theo nhiều lợi ích như tạo không gian trang trọng, tạo góc quan sát rộng, thông thoáng tốt nhưng không bị "hở" như kiểu giếng trời. Với nhiều công trình, khoảng thông tầng trở thành điểm nhấn trang trọng, là đầu mối giao thông và nơi giao tiếp chính yếu trong nhà.
Hiện nay, phần lớn những ngôi nhà phố trong quá trình thiết kế đều được KTS chừa lại một phần diện tích thông thoáng 1 -2m dành cho việc đối lưu không khí. Trong những căn nhà có diện tích nhỏ hẹp hoặc những căn hộ dạng lửng, những khoảng thông tầng sẽ tạo cảm giác cao rộng hơn... Ở nhiều căn nhà ống có chiều dài bằng hoặc hơn 20m, nhiều KTS cũng khuyến khích phải chừa hai thậm chí đến ba khoảng thông tầng. Mỗi lỗ thông tầng này có tác dụng như những giếng trời và được phân bố đều từ trước, giữa cho đến cuối nhà.
Nếu khoảng thông tầng đặt ở giữa nhà sẽ có tác dụng ngăn hờ phòng khách và bếp thay cho những bức vách để tạo cảm giác rộng thoáng cho căn nhà. Cùng với vai trò đó là chức năng lấy sáng tự nhiên cho buồng thang và đối lưu không khí chính.
Nếu đặt tại vị trí cuối nhà sẽ giúp tạo sự thông thoáng cho bếp và phòng ăn, dù nhà nhỏ cũng không nên tiết kiệm diện tích để làm thông tầng vì bù lại cho khoảng diện tích bị mất này căn bếp sẽ trở nên sáng sủa và thoáng đãng hơn.
Thông tầng về mặt phong thuỷ
Về mặt phong thủy, các không gian trong nhà đều có những đặc tính ngũ hành riêng mà nếu khéo bố trí theo tương sinh hay tương khắc thì sẽ đem lại sự hài hòa tổng thể. Khoảng thông tầng nối kết với không gian gì thì đặc tính ngũ hành của không gian đó sẽ nổi trội.
Phòng khách thuộc về hành Thổ là chính thì khi làm khoảng thông tầng nơi phòng khách sẽ thiên về những trang trí đem lại cảm giác ấm cúng, màu sắc tươi tắn, màu ấm và sáng đều phù hợp. Đèn chùm rực rỡ là chi tiết thuộc về hành Hỏa, có tính tương siinh, nên hoàn toàn có thể treo nơi khoảng thông tầng trong phòng khách.
Còn khoảng thông tầng nơi phòng ăn hay bếp thì lại có tính Hỏa cao, cần để thoát nhiệt tốt, nên những vật dụng mềm mại (Thủy giảm Hỏa) trên tường hay trần sẽ được ưu tiên hơn. Với khoảng thông tầng nơi nhà nhỏ cũng cần nghiêng về hành Thủy (sinh Mộc) để tạo sự mềm mại giảm cảm giác chật hẹp, màu sắc nhạt và đường nét uốn lượn là lựa chọn đáng tham khảo.
Biến tấu khoảng thông tầng thêm bắt mắt
Khoảng thông tầng cũng là một không gian cấu thành vẻ đẹp của ngôi nhà. Vì thế, KTS nên biến tấu để khu vực này thêm bắt mắt, tạo sự lôi cuốn cho nội thất và giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ cho không gian sống. Có thể là từ chất liệu ốp thô mộc của tường hoặc treo đèn thả trang trí. Thông thường, dưới khoảng thông tầng sẽ là hồ nước nhỏ và thêm vài cây cảnh trang trí làm không gian xung quanh sống động thêm, hoặc ưu tiên thếit kế một “vườn cảnh” khô trang trí.
Theo Archi