Động đất Nhật Bản và thị trường nhà đất Trung Quốc
Tờ “Tài chính Trung Quốc” đưa tin thảm hoạ động đất và sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3 đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường nhà đất… Trung Quốc.
Ảnh minh họa |
Tờ “Tài chính Trung Quốc” đưa ra 5 ảnh hưởng chủ yếu:
Thứ nhất: giá nhà đất tại những khu vực tiếp giáp với vùng xảy ra động đất của Nhật Bản sẽ có xu hướng giảm.
Theo một nghiên cứu chi tiết của Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Nhật Bản về tâm lý người tiêu dùng sau khi xảy ra trận động đất tại huyện Hanshin năm 1995 cho thấy số người có ý định mua nhà trước khi xảy ra động đất là 50.4% nhanh chóng giảm xuống còn 14.5% sau động đất, trong khi nhu cầu thuê nhà công vụ và nhà tư nhân tăng lên nhanh chóng, từ mức 46.1% trước đó tăng lên 79.1% sau động đất.
Ý định mua nhà của người tiêu dùng Trung Quốc ở những khu vực phụ cận vành đai địa chấn, hoặc tiếp giáp với Nhật Bản sẽ giảm xuống nhanh chóng, trong khi người tiêu dùng lựa chọn phương án thuê nhà sẽ tăng lên đáng kể. Như vậy, giá nhà ở những khu vực này sẽ có chiều hướng đi xuống trong thời gian dài.
Thứ hai: khu nhà ở cao tầng sẽ không còn được ưa chuộng, thị trường giao dịch sẽ khó khăn và xuất hiện xu hướng rớt giá. Theo kết quả điều tra của Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Nhật Bản, số lượng người tiêu dùng có khuynh hướng mua nhà chung cư cao tầng hoặc siêu cao tầng từ 61% trước khi xảy ra động đất giảm xuống còn 16.9% sau khi xảy ra động đất.
Cũng do mức độ tàn phá của động đất đối với nhà cao tầng và khả năng thương vong cao sau thảm họa tại Nhật Bản, thị trường giao dịch bất động sản nhà cao tầng Trung Quốc, nhất là nhà ở cao tầng nằm trong khu vực gần vành đai địa chấn sẽ trở nên khó giao dịch và xuất hiện hiện tượng giảm giá mạnh.
Thứ ba: do tâm lý hoang mang về nguy cơ hạt nhân của nhà máy Fukushima Daiichi, giá bất động sản tại các thành phố của Trung Quốc có xây dựng nhà máy điện hạt nhân sẽ có xu hướng giảm, nhất là giá nhà ở trong phạm vi 20 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân sẽ giảm mạnh.
Thứ tư: kết cấu và thiết kế nhà ở cao tầng sẽ chú trọng hơn tới yếu tố địa chấn và chống động đất. Từ năm 1949 đến nay, trong số hơn 100 trận động đất có tính chất phá huỷ lớn tại 22 tỉnh, thành của Trung Quốc, thì có liên quan đến 14 tỉnh, thành khu vực miền Đông, khiến 270,000 người thương vong, phá huỷ hơn 7 triệu ngôi nhà.
Nguyên nhân trực tiếp khiến phần lớn các toà nhà bị phá huỷ là do kết cấu chống động đất kém và thiết kế không đủ mức độ an toàn. Vì vậy, yếu tố kết cấu và thiết kế chống địa chấn nhà ở cao tầng cũng sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Nhiều khả năng, trong thời gian tới, gạch sẽ bị cấm sử dụng trong xây dựng nhà cao tầng tại Trung Quốc.
Cuối cùng: nhu cầu của dân chúng đối với khu vực tránh nạn cộng đồng sẽ ngày càng quyết liệt hơn, không loại trừ khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra chủ trương xây dựng nhiều khu tránh nạn công cộng. Tại Nhật Bản, tất cả các thành phố đều xây dựng các khu nhà tránh nạn cộng đồng, trong đó riêng thành phố Sendai vừa xảy ra thảm họa có khoảng 300 khu tránh nạn cộng đồng, mỗi khu có thể bố trí từ 4,000 - 6,000 người, được phục vụ thực phẩm và nước uống trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, xét về số lượng và quy mô đều không thể so sánh với Nhật Bản. Những yếu tố này tác động không nhỏ đến tâm lý, quan niệm và quyết định mua nhà của người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo Tầm Nhìn